
Thị trường trong nước: Theo khảo sát của WHO năm 2019 cho thấy, Việt Nam là quốc gia có lượng tiêu dùng thuốc lá cao, đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN và thứ 9 trên thế giới về số người hút thuốc lá. Trung bình cứ hai nam giới trưởng thành thì có một người hút thuốc, tỷ lệ hút thuốc ở thanh thiếu niên (15-24 tuổi) là 24,3%.
Thị trường xuất khẩu: Được áp dụng mức thuế MFN đối với các mặt hàng xuất khẩu với tư cách là thành viên WTO, xuất khẩu thuốc lá của Việt Nam liên tục tăng trưởng trong 5 năm trở lại.
Nguyên liệu: Cùng với các cam kết giảm thuế của Việt Nam trong Hội nhập kinh tế quốc tế, ngành thuốc lá được hưởng lợi từ việc giảm thuế nhập khẩu các mặt hàng phụ liệu, vì phần lớn phụ liệu sản xuất thuốc lá phải nhập khẩu.
Công nghệ: Cùng với việc nới lỏng điều kiện đầu tư, liên doanh hợp tác nước ngoài, ngành thuốc lá có điều kiện tiếp cận với công nghệ sản xuất và trình độ quản lý tiên tiến của nước ngoài trong cùng lĩnh vực.
Do vậy nhu cầu thành lập doanh nghiệp sản xuất thuốc lá khá tăng cao.
Các quy định liên quan đến sản phẩm thuốc lá
Căn cứ luật thuế tiêu thụ đặc biệt số 27/2008/QH12 có hiệu lực ngày 01/04/2009, Thuốc lá điếu, xì gà và các chế phẩm khác từ cây thuốc lá là mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt với thuế suất 65%.
Tiêu chuẩn mặt hàng thuốc lá sản xuất cần đáp ứng theo QCVN 16-1:2015/BYT QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA ĐỐI VỚI THUỐC LÁ ĐIẾU được ban hành kèm theo Thông tư số 23/2015/TT-BYT ngày 20 tháng 8 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Tháng 5/2003, Tổ chức Y tế thế giới đã ban hành Công ước Khung về Kiểm soát thuốc lá (Framework Convention On Tobacco Control – FCTC), có hiệu lực ngay trong năm 2005 sau khi được 40 nước phê chuẩn (Việt Nam đã tham gia ký kết và phê chuẩn Công Ước tháng 12/2004) với mục tiêu tạo ra những khuôn khổ cho việc hợp nhất những biện pháp kiểm soát thuốc lá của các quốc gia tham gia Công Ước, giảm thiểu một cách liên tục và mạnh mẽ việc sử dụng thuốc lá, hạn chế các hậu quả về xã hội, kinh tế và môi trường của việc tiêu dùng thuốc lá.
Điều kiện để thành lập doanh nghiệp sản xuất thuốc lá
Căn cứ pháp lý:
Luật Doanh nghiệp năm 2014
Nghị định 78/2015/NĐ-CP
Nghị định 67/2013/NĐ-CP
Nghị định 08/2018/NĐ-CP
Thông tư 08/2018/TT-BTC
Điều kiện về chủ thể
Chỉ có doanh nghiệp mới được sản xuất thuốc lá. Khi muốn thành lập doanh nghiệp sản xuất thuốc lá, chủ doanh nghiệp phải đảm bảo điều kiện về chủ thể thành lập doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp năm 2014.
Lưu ý:
Về vốn điều lệ: Pháp luật không quy định. Mức vốn điều lệ sẽ do chủ kinh doanh lựa chọn và đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh
Về ngành nghề kinh doanh: Sản xuất thuốc lá là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Chủ doanh nghiệp phải thực hiện đúng với ngành nghề đăng ký “sản xuất thuốc lá”.
Điều kiện về đầu tư và sử dụng nguyên liệu thuốc lá được trồng trong nước
Doanh nghiệp phải tham gia đầu tư trồng cây thuốc lá.
Hình thức đầu tư: trực tiếp hoặc liên kết đầu tư với các doanh nghiệp có Giấy chứng nhận đủ điều kiện đầu tư trồng cây thuốc lá và phù hợp với quy mô sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp phải sử dụng nguyên liệu thuốc lá được trồng trong nước để sản xuất thuốc lá. Trong trường hợp không đủ nguyên liệu trong nước thì được nhập khẩu phần nguyên liệu còn thiếu theo kế hoạch nhập khẩu hàng năm do Bộ Công Thương công bố, trừ trường hợp sản xuất sản phẩm thuốc lá nhãn nước ngoài hoặc sản phẩm thuốc lá để xuất khẩu.
Điều kiện về máy móc thiết bị
Có máy móc thiết bị chuyên ngành gồm các công đoạn chính: Cuốn điếu, đóng bao.
Các máy cuốn, máy đóng bao, đóng tút phải tự động, trừ trường hợp sản xuất theo phương pháp truyền thống phải thao tác bằng tay;
Có các thiết bị kiểm tra để thực hiện đo lường, kiểm tra các chỉ tiêu chất lượng như: Trọng lượng điếu, chu vi điếu, độ giảm áp điếu thuốc. Đối với các chỉ tiêu lý, hóa khác và chỉ tiêu vệ sinh thuốc lá, doanh nghiệp có thể tự kiểm tra hoặc thông qua các đơn vị dịch vụ có chức năng để kiểm tra. Kết quả kiểm tra phải được lưu giữ dài hơn thời hạn sử dụng của sản phẩm là 6 tháng để theo dõi;
Toàn bộ máy móc thiết bị phải có nguồn gốc hợp pháp.
Điều kiện về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với sản phẩm thuốc lá
Doanh nghiệp phải đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn cơ sở, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sản phẩm thuốc lá theo QCVN 16-1:2015/BYT QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA ĐỐI VỚI THUỐC LÁ ĐIẾU được ban hành kèm theo Thông tư số 23/2015/TT-BYT ngày 20 tháng 8 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Điều kiện về sở hữu nhãn hiệu hàng hóa
Doanh nghiệp phải có quyền sở hữu hoặc sử dụng hợp pháp nhãn hiệu hàng hóa đã được đăng ký và được bảo hộ tại Việt Nam.
Chỉ các doanh nghiệp có Giấy phép sản xuất sản phẩm thuốc lá mới được phép in nhãn hoặc hợp đồng với cơ sở in để in nhãn bao bì thuốc lá.
Điều kiện về môi trường và phòng, chống cháy nổ
Có đầy đủ các phương tiện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy. Theo hướng dẫn tại Thông tư 43/2014/TT-BTNMT.
Quy trình thành lập doanh nghiệp sản xuất thuốc lá
- Đăng ký doanh nghiệp (dành cho doanh nghiệp mới)
Căn cứ: Nghị Định về Đăng ký doanh nghiệp số 902/VBHN- BKHĐT do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát hành ngày 12/02/2019.
Cơ quan có thẩm quyền giải quyết: Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở kế hoạch và đầu tư tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.
Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp thường bao gồm:
- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
- Điều lệ công ty.
- Danh sách thành viên công ty
- Bản sao công chứng của chứng minh nhân dân, hộ chiếu, thẻ căn cước công dân của thành viên nếu là cá nhân hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với thành viên là tổ chức.
Thời hạn giải quyết khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ : 05 ngày làm việc
Lệ phí: phí đăng ký doanh nghiệp là 50.000 đồng/lần, phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp là 100.000 đồng/lần.
Các hoạt động khác cần hoàn thiện:
- Tiến hành khắc con dấu công ty và công khai mẫu dấu
- Mở tài khoản ngân hàng cho doanh nghiệp
- Mua chữ ký số
- Kê khai và đóng thuế theo đúng quy định
- Xin cấp giấy phép sản xuất sản phẩm thuốc lá
Căn cứ:
Nghị định 08/2018/NĐ-CP ngày 15/01/2018
Thông tư 21/2013/TT-BCT ngày 25/09/2013
Nghị định 67/2013/NĐ-CP ngày 27/06/2013
Thông tư 57/2018/TT-BCT ngày 26/12/2018
Thông tư số 196/2014/TT-BTC ngày 18/12/2014
Cơ quan có thẩm quyền giải quyết: Bộ Công Thương
Hồ sơ đăng ký bao gồm:
– Đơn đề nghị cấp Giấy phép sản xuất sản phẩm thuốc lá
– Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh phải có đăng ký ngành nghề sản xuất sản phẩm thuốc lá.
– Báo cáo kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong 03 năm gần nhất (nếu có) và dự kiến sản lượng sản xuất kinh doanh của 05 năm tiếp theo (trong đó nêu rõ chỉ tiêu sản lượng sản xuất đối với từng nhóm sản phẩm thuốc lá quy đổi ra bao 20 điếu).
– Bảng kê danh mục máy móc, thiết bị cuốn điếu thuốc lá và đóng bao thuốc lá, năng lực từng công đoạn quy đổi ra bao 20 điếu tính theo 03 ca/ngày.
– Hồ sơ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của máy móc thiết bị.
– Hợp đồng gia công chế biến sợi, hợp đồng dịch vụ kiểm tra chất lượng (nếu có).
– Bản sao các giấy tờ xác nhận quyền sở hữu hoặc sử dụng hợp pháp nhãn hiệu hàng hóa cho các sản phẩm thuốc lá của doanh nghiệp.
– Bản sao công bố phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thuốc lá.
– Bản sao hồ sơ chứng minh đầu tư phát triển vùng nguyên liệu thuốc lá
Thời hạn giải quyết kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ:
- Trường hợp chưa đủ hồ sơ: trong vòng 07 ngày làm việc, Bộ Công Thương có văn bản yêu cầu doanh nghiệp bổ sung
- Trường hợp đủ hồ sơ hợp lệ: trong vòng 20 ngày làm việc
- Trường hợp hồ sơ không đáp ứng theo quy định: Bộ Công Thương sẽ có văn bản từ chối cấp phép và nêu rõ lý do.
Để giúp bạn hoàn chỉnh hồ sơ thủ tục một cách nhanh nhất, tư vấn các điều cần thiết trong việc thành lập doanh nghiệp sản xuất thuốc lá quý khách có thể truy cập: https://ketoanminhchau.com/ hoặc liên hệ qua số điện thoại: 0937603786 hoặc 0937967242. Chúng tôi hân hạnh được phục vụ quý khách.