Công văn số 980/TCT-DNL ngày 10/3/2020 về việc hướng dẫn chính sách thuế nhà thầu
Theo báo cáo của đơn vị, FPSO (Floating Production, Storage and Offloading) là kho chứa nổi dạng tàu, được hoán cải từ tàu chở dầu thành tàu chứa dầu, bổ sung thêm hệ thống neo cứng cố định, các thiết bị, hệ thống phục vụ việc sơ chế, xử lý dầu khí và hỗ trợ khai thác. Chức năng hoạt động của kho nổi là xử lý chứa và xuất dầu thô.
Việc xác định là tàu biển hay kho chứa nổi cần phải căn cứ vào Bộ luật Hàng hải:
+ Tại Điều 13 Bộ luật Hàng hải Việt Nam số 95/2015/QH13 ngày 25/11/2015 của Quốc hội quy định về tàu biển như sau:
“Tàu biển là phương tiện nổi di động chuyên dùng hoạt động trên biển.
Tàu biển quy định trong Bộ luật này không bao gồm tàu quân sự, tàu công vụ tàu cá phương tiện thủy nội địa, tàu ngầm, tàu lặn, thủy phi cơ, kho chứa nổi, giàn di động, ụ nổi”;
+ Tại Khoản 5 Điều 4 Bộ luật Hàng hải số 95/2015/QH13 định nghĩa: “5. Kho chứa nổi là cấu trúc nổi chuyên dùng để chứa, sơ chế dầu phục vụ thăm dò, khai thác, chế biến dầu khí”;
Căn cứ các quy định của Bộ luật Hàng hải nêu trên, hoạt động cho thuê kho chứa nổi FPSO (dạng tàu) có chức năng chứa, xử lý dầu thô không phải là hoạt động cho thuê tàu biển.
Trường hợp nhà thầu nước ngoài cho thuê kho chứa nổi FPSO để phục vụ hoạt động khai thác dầu khí của nhà thầu dầu khí tại Việt Nam thì áp dụng tỷ lệ thuế TNDN 5% trên doanh thu tính thuế đối với hoạt động cho thuê máy móc, thiết bị.